Skip to main content
Kiến thức

Silicon trong dầu gội có thực sự gây hại cho tóc?

Silicon từ lâu đã bị coi là một trong những thành phần không tốt trong chăm sóc da, trang điểm và chăm sóc tóc. Chúng đã bị “ma quỷ hóa” bởi các thương hiệu tự nhiên và bạn có thể đọc được rất nhiều cảnh báo về nó trên internet. Tuy nhiên, hầu hết các sản phẩm chăm sóc tóc cao cấp nhất trên thế giới hiện nay đều chứa Silicon trong bảng thành phần. Tại sao vậy? hôm nay LIZI sẽ minh oan cho silicon trong dầu gội bằng cách đập tan một số lời đồn vô căn cứ về nó.

Silicon là gì?

Silicon (hay polysiloxan) là các polyme tổng hợp (hay còn gọi là nhân tạo) được tạo thành từ các siloxane (-R 2 Si-O-SiR 2 -, trong đó R = nhóm hữu cơ). Silicon được ứng dụng trong rất nhiều các ngành công nghiệp khác nhau. Trong bài viết này chúng ta chỉ nói về các loại Silicon có trong các sản phẩm làm đẹp.

Silicon được ứng dụng trong các sản phẩm làm đẹp là organosiloxane. Chúng chứa các nguyên tử silicone-oxy-silicone xen kẽ, liên kết với carbon. Chúng được làm từ cát (silicon dioxide – SiO2).

Nhận diện silicon:

Có một số loại silicon khác nhau trong các sản phẩm chăm sóc cá nhân, với các đặc tính và cách sử dụng khác nhau. Nói chung, tên của chúng kết thúc bằng -cone, conol hoặc -siloxane (các thành phần kết thúc bằng -silane thường không chứa đủ silicone để được phân loại là silicon và có các đặc tính khác nhau).

Các loại silicon chính:

  • Small silicones: chúng có xu hướng rất lỏng, thường dễ bay hơi (và không bám trên tóc hoặc da), ví dụ: phenyl trimethicone, cyclopentasiloxane.
  • Silicone polymers: các phân tử chuỗi dài được tạo thành từ các đơn vị siloxane lặp lại, có thể ở dạng lỏng hoặc rắn, ví dụ: dimethicone (polydimethylsiloxane hoặc PDMS), polysilicone-11, polymethylsilsesquioxane.
  • Functionalised silicones: là các silicon chứa các nguyên tử khác trên cấu trúc của chúng, tạo cho chúng các đặc tính đặc biệt ngoài các đặc tính silicone thông thường, ví dụ: amodimethicone, dimethiconol,…
Các loại Silicon

Các loại Silicon

Tại sao Silicon tại có mặt trong dầu gội và các sản phẩm chăm sóc tóc?

Silicone đã được sử dụng và nghiên cứu từ những năm 1950, và rất phổ biến trong các sản phẩm làm đẹp, vì lý do chính đáng. Chúng có một số đặc tính thực sự tuyệt vời mà các thành phần khác không có.

Phần lớn điều này đến từ thực tế silicon là thành phần không hoạt động (unreactive ingredient) với tác dụng làm mềm mượt. Chúng cũng không thử nghiệm trên động vật và thuần chay.

Các tác dụng chính của silicon cho tóc:

  • Silicon làm mượt, giảm xù và gỡ rối tóc
  • Giúp tóc thêm bóng sáng
  • Silicon có thể được sử dụng trong các sản phẩm bảo vệ nhiệt và khóa ẩm
  • Chúng có thể giúp màu nhuộm lưu lại trên tóc lâu hơn

Ngoài dầu gội, dầu xả và các sản phẩm tạo kiểu tóc, silicon là những thành phần phổ biến trong trang điểm và chăm sóc da, vì chúng giúp giữ cho làn da mềm mại và mịn màng. Chúng cũng ngăn không cho mỹ phẩm như son môi và phấn nền bị khô.

Giải mã những lời đồn về Silicon trong dầu gội

Trong một số các chủ đề làm đẹp, Silicon được coi là một thành phần xấu cần tránh trong các sản phẩm chăm sóc cá nhân, đặc biệt là dầu gội. Điều này có thực sự đúng? Dưới đây là một số hiểu lầm phổ biến nhất về silicon trong dầu gội bạn cần biết.

Silicon trong dầu gội: liệu thành phần này có thực sự không tốt?

Silicon là chất tổng hợp, không có nguồn gốc tự nhiên

Điều này là sự thật, và thực tế là chúng được sử dụng rất phổ biến, mình nghĩ đây là lý do chính khiến có rất nhiều lời đồn không hay về silicon. Chúng ta thường có thành kiến ​​khi nghĩ rằng tự nhiên có nghĩa là tốt hơn, an toàn hơn, thân thiện hơn với môi trường,…

Bạn nên biết điều này. Tự nhiên không có nghĩa là an toàn hơn, và tổng hợp không có nghĩa là nguy hiểm hơn cho bạn hoặc môi trường! Một số chất độc hại nhất trên thế giới là tự nhiên. Trong các sản phẩm làm đẹp, chiết xuất thực vật tự nhiên là một số thành phần dễ gây kích ứng và dị ứng nhất.

Khi chúng ta sử dụng các sản phẩm tự nhiên, đôi khi nó có thể hủy hoại môi trường một cách khủng khiếp – đó những thứ như dầu cọ, gỗ đàn hương, ngà voi, vây cá mập,…

Vì vậy, chúng ta hãy bỏ qua tranh cãi về “tự nhiên” hay “tổng hợp” và đi đến những vấn đề tiếp theo.

Silicon là một chất độc hại đối với cơ thể

Đây là một trong những lời đồn phát triển từ quan niệm “tự nhiên là tốt hơn”. Silicone thực sự rất an toàn! Chúng không có liên quan đến ung thư hoặc rối loạn hormone hoặc bất kỳ ảnh hưởng sức khỏe lâu dài nào khác. Các cơ quan quản lý trên toàn thế giới (Bộ Y tế Canada, Ủy ban Khoa học về An toàn Người tiêu dùng của Liên minh Châu Âu, Cơ quan Môi trường Vương quốc Anh,…) đã công bố rằng silicon không gây hại với con người.

Silicon được sử dụng trong rất nhiều phương pháp điều trị bằng thuốc như thuốc mỡ và kem, thậm chí bên trong cơ thể trong các thiết bị y tế, máy điều hòa nhịp tim và thiết bị dẫn dịch não tủy.

Silicon có hại cho da đầu nhạy cảm

Điều này không đúng – thực tế là ngược lại! Silicone thường được sử dụng trong y tế vì chúng rất ít gây dị ứng, không gây kích ứng và không tạo phản ứng.

Dị ứng với silicon là rất hiếm mặc dù chúng được sử dụng rất nhiều, và dimethicone thậm chí còn được liệt kê là chất bảo vệ da được FDA chấp thuận (và đã được sử dụng hiệu quả trong các sản phẩm để giảm kích ứng da). Hầu hết mọi người có thể bôi dimethicone không pha loãng lên da mà không gặp vấn đề gì.

Silicon chỉ tạo ra lớp phủ bên ngoài, tạo cảm giác mềm mượt giả

Đúng là silicon trong dầu gội tạo nên một lớp phủ trên tóc của bạn… nhưng đây là một việc tốt!

Tóc bạn khá mỏng manh, lớp biểu bì bên ngoài bao gồm các tế bào chồng lên nhau – như vảy cá hoặc lợp ngói. Và nếu tóc bạn bị hư tổn, lớp biểu bì của tóc tóc có xu hướng bị bong ra, hoặc không thể xếp chồng lên nhau một cách ngay ngắn. Silicones tạo thành một lớp phủ mỏng, không thấm nước xung quanh lớp biểu bì tóc của bạn. Nó ngăn vảy biểu bì bong ra (đó là điều xảy ra khi bạn cảm thấy ma sát khi kéo lược qua tóc), đồng thời có thể làm cho tóc chắc khỏe hơn và có khả năng chống gãy rụng. Kết cấu bóng mượt của lớp phủ giúp mái tóc của bạn mềm mại, mượt mà, các sợi tóc có thể trượt qua nhau mà không bị rối.

Silicone cũng bảo vệ tóc của bạn khỏi nhiệt khi bạn sấy hoặc uốn hoặc ép tóc. Vì vậy, chúng rất tốt trong việc bảo vệ tóc của bạn khỏi hư tổn.

Tuy nhiên, lớp màng silicon bám trên tóc của bạn có thể ngăn các hoạt chất tiếp xúc với tóc, làm giảm hiệu quả của việc nhuộm và uốn tóc. Để tránh vấn đề này, các thợ làm tóc thường sử dụng liệu pháp làm sạch tóc với dầu gội làm sạch sâu (clarifying shampoo) trước khi làm dịch vụ uốn nhuộm.

Silicon trong dầu gội tích tụ trên tóc bạn và làm nó nặng xuống

Đây có thể là vấn đề cụ thể của một số người, đối với loại silicon cụ thể. Những người khác nhau có nhu cầu về tóc khác nhau, và không phải tất cả các loại silicon đều giống nhau.

Tóc của mỗi người là duy nhất và phản ứng khác nhau với những thứ như nhiệt, độ ẩm và các sản phẩm chăm sóc tóc. Cách tốt nhất để xác định xem sản phẩm chứa silicone có phù hợp với bạn hay không là xem xét loại tóc của bạn.

Các sản phẩm làm từ silicone rất lý tưởng cho những người có mái tóc thô, dày, khô hoặc uốn xoăn. Nếu tóc bạn thuộc những trường hợp này, silicon sẽ giúp làm mềm mượt mái tóc của bạn, thêm độ bóng và dưỡng ẩm cho tóc.

Những người có mái tóc mỏng, thưa cũng có thể được hưởng lợi từ các sản phẩm làm từ silicon, đặc biệt nếu chúng được pha chế với cyclomethicone, một trong những dạng silicon nhẹ nhất thường thấy trong các sản phẩm dành cho tóc. Cyclomethicone hòa tan trong nước, có nghĩa là nó dễ dàng rửa sạch và để lại sự tích tụ sản phẩm tối thiểu. Các loại silicon nặng hơn, không tan trong nước, như dimethicone, cũng có thể bị rửa trôi sau một số lần gội đầu.

Ví dụ, trước khi tẩy và nhuộm tóc, dimethicone rất tốt cho tóc của mình, nhưng bây giờ đôi khi mình cảm thấy nó hơi nặng. Hiện tại amodimethicone hợp với mình hơn. Nó không đủ nặng cho tóc mình trước khi tẩy, nhưng bây giờ nó là lựa chọn hoàn hảo cho mái tóc hư tổn.

Mình nghĩ việc tích tụ sản phẩm nếu có cũng không phải là vấn đề quá lớn, nếu so sánh với tác dụng mà silicon mang lại. Nếu tóc bạn bắt đầu có cảm giác nặng hoặc bết, bạn chỉ cần dùng dầu gội làm sạch sâu clarifying shampoo để rửa trôi sản phẩm tích tụ.

Silicon không phân hủy sinh học và độc hại với môi trường

Về mặt kỹ thuật, silicon không thực sự có thể phân hủy sinh học. Nhưng điều quan trọng bạn cần lưu ý rằng đây không nhất thiết là một điều xấu!

“Có thể phân hủy sinh học” có nghĩa là thứ gì đó có thể bị phân hủy bởi các sinh vật sống (ví dụ: vi khuẩn). Nhưng không thể phân hủy không có nghĩa là thứ gì đó xấu. Ví dụ, thủy tinh không thể phân hủy, nhưng nó trơ và không độc hại, do đó nó không phải là một vấn đề lớn.

Mặt khác, silicon không phân hủy sinh học, nhưng chúng có thể phân hủy – chúng phân hủy trong môi trường và trở lại thành silica (cát), carbon dioxide (CO2) và nước.

Ví dụ, dimethicone không thể phân hủy sinh học, nhưng nó chủ yếu bị loại bỏ trong xử lý nước thải và phân hủy khi tiếp xúc với đất sét và trầm tích. Nó không tan trong nước, vì vậy sau một thời gian nó sẽ chạm vào đất sét hoặc trầm tích và phân hủy – mà không cần bất kỳ sự can thiệp nào của các sinh vật sống.

Nhiều silicon cũng bay hơi và phân huỷ khi gặp tia cực tím trong ánh sáng mặt trời và oxy trong không khí. Đối với hầu hết các silicon chu kỳ được sử dụng trong các sản phẩm làm đẹp, một nửa sẽ phân hủy sau 2 tuần. Trong đất và trầm tích, chúng phân hủy trong vòng chưa đầy 2 năm. Khoảng thời gian này nghe có vẻ khá dài từ quan điểm hóa học môi trường, nhưng nó thực sự ngắn hơn nhiều với những thứ không thể phân hủy sinh học mà chúng ta thường nghĩ, như nhựa, mất hàng nghìn năm để phân hủy.

Vấn đề khác là độc hại môi trường. Hầu hết các cơ quan có thẩm quyền trên thế giới (Nhật Bản, Canada, Úc, Mỹ) cho rằng silicones ít được quan tâm đến như là một chất độc hại, do nồng độ trong môi trường thấp và khả năng hòa tan thấp trong nước. Khu vực duy nhất có giới hạn về silicon vào lúc này là EU (ECHA) , giới hạn D4 (cyclotetrasiloxane) và D5 (cyclopentasiloxane). Sự khác biệt trong quy định giữa các khu vực xuất phát từ việc Châu Âu sử dụng nguyên tắc phòng ngừa, có nghĩa là họ tập trung vào các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và khả năng gây hại hơn là các bằng chứng ngoài môi trường khi thực hiện các đánh giá an toàn.

Hiện tại với những gì chúng ta biết, có vẻ như silicon không phải là một vấn đề môi trường. Tất nhiên nếu có bằng chứng mới xuất hiện, điều này sẽ cần được xem xét lại.

Một số loại Silicon cần tránh

Tuy phần lớn các loại silicon đều an toàn, nhưng cũng có một số loại khó rửa sạch và tích tụ nhiều trên tóc hơn. Chúng dễ khiến tóc bạn bị nhờn và khiến tóc có cảm giác nặng hơn, vì vậy hãy cẩn thận khi sử dụng.

Tìm “stear” trong tên của chúng để nhận diện silicon loại này.

Dưới đây là một số ví dụ:

  • Cetyl dimethicone
  • Cetearyl methicone
  • Stearoxy dimethicone
  • Stearyl dimethicone
  • Stearyl methicone
  • Trimethylsilylamodimethicone

Mình khuyên bạn nên tránh xa những thành phần này.

Lời kết

Mặc dù là thành phần nhân tạo, silicon trong dầu gội hoàn toàn an toàn và không gây tổn thương cho sợi tóc. Chúng an toàn cho con người và an toàn cho môi trường. Và, tốt hơn nữa, chúng có khả năng dưỡng ẩm và làm mềm mượt đáng kinh ngạc, có thể bảo vệ tóc khỏi tác hại của nhiệt và là một trong những hợp chất hiệu quả nhất để chống xù rối, tăng thêm độ bóng và cải thiện khả năng quản lý.

Cách tốt nhất để sử dụng sản phẩm chăm sóc tóc chứa silicone là chọn thứ phù hợp với loại tóc của bạn, cũng như sử dụng chúng với liều lượng hợp lý.

Hy vọng bài viết này sẽ giúp các bạn hiểu hơn về silicon và không bỏ lỡ các sản phẩm phù hợp với bản thân chỉ vì nó chứa thành phần này.

Nếu bạn có bất cứ thắc mắc nào về việc lựa chọn sản phẩm chăm sóc tóc, liên hệ ngay với LIZI nhé. Đội ngũ LIZI với kinh nghiệm 6 năm trong ngành tóc, sẽ lắng nghe và đưa ra lời khuyên tốt nhất cho mái tóc của bạn.

Tham khảo: labmuffin.com

LIZI VIỆT NAM

Mỹ phẩm tóc LIZI luôn đặt khách hàng làm trọng tâm, chắc chắn bạn sẽ hài lòng về giá trị chúng tôi mang lại. LIZI.VN đang nỗ lực trở thành nơi cung cấp giải pháp chăm sóc tóc số 1 tại Việt Nam trong vòng 02 năm tới.